Chi tiết quy hoạch Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 13/6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ – Trần Hồng Hà đã ký quyết định 686/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Long An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng TPI LAND cập nhật thông tin quy hoạch Long An, gồm:
- Mục tiêu quy hoạch Long An
- Phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng
- Phương án phát triển kết cấu hạ tầng
- Cập nhật bản đồ quy hoạch Long An mới nhất
Mục tiêu quy hoạch Long An
Giai đoạn 2021-2030
Phấn đấu đến năm 2030, quy hoạch Long An là trung tâm kinh phát triển kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị – công nghiệp của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển đô thị động lực, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến 2050
Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ. Xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh; con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phương hướng tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội
Quy hoạch Long An sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội theo mô hình “01 trung tâm, 02 hành lang, 03 vùng kinh tế – xã hội, 06 trục động lực”.
- Một trung tâm: Thành phố Tân An trở thành trung tâm hành chính và công nghệ cao, kết nối các hành lang và trục động lực dọc quốc lộ 62, nối liền vùng Đồng Tháp Mười và quốc gia Campuchia.
- Hai hành lang kinh tế chính liên kết với TP.HCM
- Hành lang đường Vành đai 3-4: bám dọc theo các trục đường vành đai 3 và vành đai 4 TP.HCM.
- Hành lang phát triển phía Nam: TP.HCM – Long An – Tiền Giang: bám dọc theo trục động lực liên tỉnh bắt đầu từ TP.HCM đi qua Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang.
- Ba vùng kinh tế xã hội
- Theo quy hoạch Long An, vùng phát triển đô thị và công nghiệp: bao gồm các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, một phần huyện Tân Trụ, thành phố Tân An và một phần huyện Thủ Thừa. Định hướng tập trung phát triển đô thị và công nghiệp tổng hợp, tạo thành hành lang phát triển đô thị trung tâm ở Bến Lức – Tân An và các đô thị công nghiệp đặc thù ở Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước.
- Vùng đệm sinh thái: nằm giữa hai con sông VCĐ và VCT, bao gồm huyện Đức Huệ, một phần huyện Thủ Thừa và một phần huyện Tân Trụ. Trước mắt, Vùng 2 được định hướng phát triển nông nghiệp, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển công nghiệp, đô thị sinh thái, khu trung chuyển nội tỉnh. Xây dựng trung tâm Vùng là thị trấn Thủ Thừa nhằm kết nối các tiểu vùng kinh tế của tỉnh, giữa cửa khẩu đất liền và cảng biển. Liên quan tới kiểm soát quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ sự phát triển của vùng 2 và chỉ cho phép phát triển ở các khu vực đã quy định dọc các tuyến đường và ở một số khu vực chỉ định khác.
- Vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu: bao gồm thị xã Kiến Tường và các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, một phần huyện Thủ Thừa. Định hướng phát triển mạnh về nông, lâm, ngư nghiệp và đảm bảo phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ hậu cầu chế biến và kinh doanh lúa gạo. Vùng 1 cũng được định hướng phát triển dịch vụ, công nghiệp tại khu kinh tế cửa khẩu; phát triển du lịch sinh thái như phát triển đô thị Kiến Tường nhằm đảm bảo giao lưu thương mại, dịch vụ giữa vùng Đồng Tháp Mười và thành phố Tân An.
- Sáu trục động lực
- Trục động lực vành đai 3 – vành đai 4: Kết nối Long An với quốc tế qua sân bay Long Thành và cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép – Thị Vải, Cảng Long An.
- Trục động lực quốc lộ 50B: Kết nối TPHCM – Long An – Tiền Giang.
- Trục động lực quốc lộ 62 song hành: Kết nối vùng Đồng Tháp Mười với vùng kinh tế Campuchia.
- Trục động lực Mỹ Quý Tây – Lương Hoà: Kết nối đô thị công nghiệp, dịch vụ khu vực Đức Hoà với cửa khẩu Mỹ Quý Tây.
- Trục động lực quốc lộ N1: Kết nối Long An với vùng TPHCM, vùng ĐBSCL, vùng Tây Nguyên.
- Trục động lực Đức Hòa: Kết nối hệ thống các khu công nghiệp, đô thị vùng công nghiệp phía Bắc.
Phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng
Quy hoạch hệ thống đô thị
Theo quy hoạch Long An, khi có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, phấn đấu đến 2030 có 27 đô thị.
Quy hoạch phân khu chức năng
- Phát triển các khu kinh tế
- Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Long An tại thị xã Kiến Tường, các huyện Mộc Hóa và Vĩnh Hưng.
- Xây dựng Khu kinh tế Long An tại huyện Cần Giuộc và huyện Cần Đước trở thành động lực tăng trưởng mới theo hệ sinh thái công nghệ cao.
- Các trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành
- Theo quy hoạch Long An, Thành phố Tân An đóng vai trò là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại của phía Đông Bắc vùng đồng bằng sông Cửu Long, đô thị cửa ngõ giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Các đô thị Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc là các đô thị vệ tinh, có vai trò giảm tải về áp lực dân số, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cho TP.HCM. Thị xã Kiến Tường đóng vai trò là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười gắn với khu kinh tế cửa khẩu Long An, có vai trò động lực, thúc đẩy hoạt động công nghiệp, logistics, chế biến nông sản, kinh tế biên mậu với Campuchia.
- Phát triển các khu, cụm công nghiệp
- Dựa trên định hướng quy hoạch Long An, tỉnh sẽ thành lập mới 17 KCN khi đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định về khu công nghiệp, phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 51 KCN.
- Quy hoạch mới 28 CCN với tổng diện tích là 1.808ha, tổng số các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 72 cụm với tổng diện tích là 3.989ha.
Phương án phát triển kết cấu hạ tầng
- Quy hoạch Long An về kết cấu hạ tầng trung tâm cấp quốc gia
Các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường sắt, cảng biển, đường thủy nội địa: Thực hiện theo quy hoạch quốc gia.
Hình thành các nút giao đấu nối hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cấp quốc gia với hệ thống kết cấu hạ tầng cấp tỉnh, nhằm tăng cường tính kết nối giao thông liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; bố trí thêm lối ra, vào với cao tốc Bắc – Nam phía Đông tại các huyện Bến Lức, Thủ Thừa.
- Quy hoạch Long An về kết cấu hạ tầng giao thông cấp tỉnh
– Về đường bộ:
+ Quy hoạch Long An sẽ cải tạo, nâng cấp 53 tuyến đường tỉnh hiện hữu và xây mới 29 tuyến đường tỉnh; ưu tiên nâng cấp, xây dựng các tuyến: Đường tỉnh 827E, trục động lực Đức Hòa, đường song hành quốc lộ 62, trục động lực Mỹ Quý Tây – Lương Hoà – Bình Chánh, đường Tân Tập – Long Hậu. Nâng cấp và xây dựng mới hệ thống giao thông đô thị, hình thành kết cấu hạ tầng đô thị hợp lý hoàn chỉnh; quỹ đất xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ đô thị đạt 18% – 25% so với quỹ đất xây dựng tại các đô thị.
+ Nâng cấp và xây dựng mới hệ thống bến xe tại các huyện, thị xã, thành phố; tăng cường hệ thống bãi đỗ xe ngầm (nếu có) tại các công viên, vườn hoa, dưới các tổ hợp công trình quy mô lớn, bố trí các bãi đỗ xe tập trung kết hợp với các chức năng sử dụng đất khác đảm bảo kết nối thuận lợi và an toàn.
– Về đường sắt đô thị: Xây dựng mới 02 tuyến đường sắt đô thị phục vụ kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và phục vụ phát triển du lịch là tuyến Hưng Nhơn – Tân An và tuyến bến xe Cần Giuộc mới – Cần Đước.
– Về đường sắt chuyên dụng: Xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng kết nối từ tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ ra Cảng Hiệp Phước, đi qua các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc và đi tiếp qua huyện Nhà Bè, TP.HCM.
– Về đường thủy:
+ Nâng cấp, cải tạo 05 tuyến vận tải là: (i) Tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) – Bến Lức – Đức Hòa, (ii) Tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) – Bến Lức – Mộc Hóa, (iii) Tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) – Tân An – Đức Hòa, (iv) Tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) – Tân An – Mộc Hóa, (v) Tuyến Phước Đông – Tân Kim và 11 tuyến nhánh.
+ Cảng thủy nội địa:
Nhóm I: Quy hoạch 18 cảng hàng hóa, có quy mô đáp ứng cho tàu hàng bách hóa, hàng rời có trọng tải 1.000 – 2.000 tấn.
Nhóm II: Quy hoạch 17 cảng chuyên dùng bao gồm cảng xăng dầu, cảng phục vụ hoạt động một số nhà máy, khu công nghiệp. Quy mô xây dựng đáp ứng tàu trọng tải 200 – 5.000 tấn.
Nhóm III: Quy hoạch 14 cảng bến khách đồng bộ theo các tuyến vận tải khách và phù hợp với quy hoạch đô thị của tỉnh
- Quy hoạch Long An về cảng cạn và trung tâm logistics
Quy hoạch 02 Cảng cạn: Cảng cạn Bến Lức thuộc huyện Bến Lức, có diện tích 10 – 15 ha, năng lực thông qua 150.000 Teu/năm; cảng cạn Tân Lập thuộc huyện Thủ Thừa, có diện tích 10 – 15 ha, năng lực thông qua 150.000 Teu/năm.
Hình thành 10 trung tâm logistics nhằm góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa tỉnh Long An với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long tại các huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường. Nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics tại huyện Đức Hòa.
Cập nhật bản đồ quy hoạch Long An mới nhất
Cùng TPI cập nhật các bản đồ quy hoạch được trình dự thảo Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào năm 2022 nhé!
Trên đây là những cập nhật mới nhất về quy hoạch Long An, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thường xuyên truy cập website TPI Land để không bỏ lỡ thông tin mới nhất nhé!