TP. Vũng Tàu sẽ trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW (Nghị quyết 24) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Trong đó, TP. Vũng Tàu sẽ được quy hoạch là trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.
Theo đó, Nghị quyết 24 khẳng định Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong tiểu vùng ven biển của Đông Nam Bộ. Nếu khai thác hiệu quả tiềm năng, tỉnh sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, phát triển mạnh cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hóa dầu và du lịch. Nghị quyết cũng xác định 2 nhiệm vụ cụ thể trong phát triển không gian của Bà Rịa – Vũng Tàu:
- Một là hình thành khu thương mại tự do gắn với khu vực Cảng biển Cái Mép.
- Hai là phát triển TP. Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.
Nghị quyết 24 mở ra cơ hội mới cho sự phát triển vượt bậc trong tương lai của Bà Rịa – Vũng Tàu. Đồng thời, tạo động lực cho du lịch TP. Vũng Tàu tăng trưởng bứt phá trong tương lai.
TP. Vũng Tàu tiếp tục phát huy tiềm năng và ưu thế sẵn có
Hơn 30 năm phát triển, từ một vùng đầm lầy, TP Vũng Tàu đã “vươn mình” trở thành trung tâm kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh. Không ngừng phát huy tiềm năng và ưu thế, TP. Vũng Tàu đã khắc họa rõ nét hình ảnh một “thành phố biển” đáng đến, đáng sống. Đồng thời là đô thị tổng hợp cấp quốc gia về dầu khí, du lịch và là một trong những thành phố dẫn đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người.

Trong những năm gần đây, TP. Vũng Tàu luôn là điểm đến quen thuộc của cả du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Ước tính năm 2022, thành phố đã đón hơn 6,2 triệu lượt khách với doanh thu đạt 8.100 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2019. Vũng Tàu đã và đang khai thác tốt các ưu thế thiên nhiên ban tặng với các khu resort khép kín, đẳng cấp quốc tế. Đây cũng là địa phương tập trung cơ sở nghỉ dưỡng cao cấp và dịch vụ khách sạn 4-5 sao nhiều nhất tỉnh.
Lợi thế sẵn có là khí hậu ôn hòa, nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia và lễ hội văn hóa bản địa đặc sắc cùng nhiều công trình kiến trúc biểu tượng. Vũng Tàu hội tụ đầy đủ lợi thế để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đưa TP. Vũng Tàu trở thành “trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế”. Đặc biệt, Vũng Tàu là thành phố duy nhất của Việt Nam đạt danh hiệu “Thành phố du lịch sạch ASEAN” trong 2 năm liên tiếp.
Định hướng quy hoạch TP. Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030
Để thực hiện kế hoạch Bộ Chính trị đề ra, Bà Rịa – Vũng Tàu đã đưa ra định hướng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh lập mục tiêu phát triển theo mô hình “3 trục động lực – 4 vùng chức năng – 5 trụ cột phát triển”. Đến năm 2035, tỉnh sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm hàng hải của khu vực Đông Nam Á.
Theo Báo cáo thuyết minh Quy hoạch tỉnh, dịch vụ du lịch, lưu trú và ăn uống luôn có đóng góp lớn thứ hai, trên 10%, cho tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm dịch vụ tỉnh (sau dịch vụ vận tải, logistics). Với định hướng phát triển thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, tỉnh xác định trụ cột phát triển thứ hai là du lịch, phân bổ trên tuyến Hành lang kinh tế biển phía Nam gắn liền với trục quốc lộ 55 và ĐT 994.
Căn cứ vào tiềm năng và các lợi thế đặc thù cho việc phát triển du lịch, tỉnh quy hoạch không gian phát triển du lịch với chuỗi 4 vùng du lịch trọng điểm:
- Vùng du lịch TP. Vũng Tàu và phụ cận Long Sơn, Gò Đăng sẽ đóng vai trò là đô thị du lịch biển của vùng Đông Nam Bộ, tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp hội nghị (MICE), nghỉ dưỡng biển gắn liền với danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử.
- Khu du lịch quốc gia Long Hải – Phước Hải với mô hình nghỉ dưỡng ven biển.
- Khu du lịch nghỉ dưỡng và thiên nhiên Hồ Tràm – Bình Châu với thế mạnh khám phá thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe và giải trí về đêm.
- Khu du lịch sinh thái biển đảo Côn Đảo với thế mạnh văn hóa – lịch sử – tâm linh chất lượng cao gắn liền phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo.

Trong đó, TP. Vũng Tàu sẽ tập trung quy hoạch phát triển các phân khu chức năng như sau: quy hoạch lại Bãi Sau; điều chỉnh quy hoạch Khu du lịch Chí Linh – Cửa Lấp; Khu du lịch sinh thái núi Nứa – Long Sơn; Khu du lịch Paradise; Khu du lịch Biển Đông; Khu du lịch sinh thái Cù Lao Tàu; Khu du lịch Bãi Dứa; Khu du lịch Núi Lớn – Núi Nhỏ; Khu vực Sao Mai – Bến Đình.
>>> Xem thêm: Quy hoạch chi tiết TP. Vũng Tàu đến năm 2035
Đề xuất những giải pháp triển khai
TP Vũng Tàu sẽ nỗ lực đầu tư hạ tầng, khai thác tối ưu tài nguyên sẵn có để từng bước định vị TP. Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch xứng tầm quốc tế. Để có thể đạt được kết quả kỳ vọng, Thành phố đã đề xuất những giải pháp như sau:
- Ưu tiên dành quỹ đất có vị trí thuận lợi để thu hút đầu tư tổ hợp nghỉ dưỡng – du lịch quy mô lớn với thương hiệu quốc tế.
- Phát triển đa dạng loại hình sản phẩm du lịch, nhất là du lịch về đêm, để thu hút du khách.
- Rà soát lại các dự án về du lịch đã và đang hoạt động để cùng nhà đầu tư nâng tầm sản phẩm và chất lượng phục vụ.
- Tập trung đầu tư chỉnh trang đô thị gắn với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Giải quyết các điểm “nghẽn” kết nối khu vực: tập trung mở rộng nâng cấp ĐT 994 nối TP. Vũng Tàu liền mạch với dải ven biển Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền. Đẩy mạnh đầu tư, khai thác và hoàn thành đúng tiến độ các công trình cao tốc Biên Hòa – Đồng Nai (dự kiến khởi công 30/06/2022), sân bay Long Thành…
- Phát triển các đô thị theo mô hình đô thị xanh, môi trường sống an toàn cùng hạ tầng đồng bộ để tiếp tục giữ vững danh hiệu “Thành phố du lịch sạch ASEAN”.