Sau Tổng thống Hàn Quốc lại đến tổng thống Mỹ đến thăm, các “ông lớn” đang tìm kiếm gì ở Việt Nam?
Sau sự kiện Tổng thống Hàn Quốc cùng loạt lãnh đạo “chaebol” hàng đầu xứ sở kim chi ghé thăm Việt Nam vào ngày 22/06/2023, thì chỉ trong vòng 3 tháng, Việt Nam tiếp tục đón chào Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm cấp nhà nước Việt Nam ngày 10-11/09/2023. Cả 2 sự kiện công du của Mỹ và Hàn Quốc đã, đang và sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho Việt Nam. Vậy sự kiện tổng thống Hàn Quốc và tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, các cường quốc đang tìm kiếm gì ở Việt Nam? Hãy cùng TPI Land tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Việt – Mỹ chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện sau khi Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam
Hôm qua ngày 10/09, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Hà Nội và có các cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam để thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng bí thư. Từ năm 1995, Việt Nam và Mỹ thiết lập mối quan hệ ngoại giao, đến năm 2013 thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên kể từ 1995 cả Tổng thống và phó tổng thống Mỹ thăm Việt Nam trong một nhiệm kỳ. Trước đó, Phó tổng thống Kamala Harris đã thăm từ ngày 24 – 26/08/2021.
Từ Đối tác Chiến lược nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện
Trong cuộc hội đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden tại Trụ sở Trung ương Đảng cùng ngày, trên những cơ sở quan trọng, Việt – Mỹ đã xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Nâng tổng số Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam lên 5 quốc gia, gồm: Trung Quốc (năm 2008); Nga (năm 2012); Ấn Độ (năm 2016); Hàn Quốc (năm 2022); Mỹ (năm 2023) và 13 đối tác chiến lược gồm: Nhật Bản, Tây Ban Nha (năm 2009); Anh (2010); Đức (2011); Ý, Thái Lan, Indonesia, Singapore và Pháp (2013); Malaysia và Philippines (2015); Úc (2018); New Zealand (2020).

Trong buổi gặp gỡ, Tổng thống Mỹ còn coi trọng vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực, đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam phát triển đóng góp vào công việc quốc tế. Trong đó, cả hai nước sẽ tìm kiếm cơ hội thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế tập trung vào công nghệ và ánh sáng của Việt Nam, hợp tác kinh tế và khoa học – công nghệ trong giai đoạn mới như phát triển công nghiệp điện tử, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng sạch.
Đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Mỹ hiện đang là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng hơn 240 lần, từ 451 triệu USD (năm 1995) lên hơn 123 tỷ USD (năm 2022).
Trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại với Mỹ đạt gần 62,3 tỷ USD, giảm 18% do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, nhưng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Dự báo, năm 2023, bất chấp những khó khăn chung, thương vụ giữa 2 nước có thể vượt mốc 100 tỷ USD về kim ngạch thương mại.

Với hơn 300 triệu người tiêu dùng, Mỹ là thị trường giàu tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Dệt may, da giày, đồ gỗ nội thất, nông sản… vẫn là những mặt hàng chủ lực doanh nghiệp Việt xuất sang nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Dung lượng và cơ hội thị trường của “xứ cờ hoa” rất lớn với các doanh nghiệp Việt Nam, theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho hay.
Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Mỹ
Việt Nam đang trở nên hấp dẫn như một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Mỹ. Tính đến hết năm 2022, các nhà đầu tư Mỹ đã rót vốn tại 1.216 dự án ở Việt Nam, tổng vốn đầu tư 11,4 tỷ USD.
Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đã sớm có mặt tại Việt Nam. Nổi bật, công ty quản lý quỹ đầu tư KKR của Hoa Kỳ đã trở thành cổ đông lớn của Masan Consumer, một công ty con của Tập đoàn Masan do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sáng lập, từ năm 2011 với mức đầu tư ban đầu là 159 triệu USD.
Trong lĩnh vực công nghệ, Tập đoàn FPT do ông Trương Gia Bình điều hành đã thiết lập thỏa thuận hợp tác đầu tư với nhà đầu tư chiến lược Synnex Technology International Corporation (Synnex) vào năm 2017. Synnex là tập đoàn hàng đầu thế giới trong việc phân phối sản phẩm công nghệ, viễn thông và linh kiện điện tử, có trụ sở tại California, Mỹ. Vào giữa năm 2015, tập đoàn Mondelēz International của Hoa Kỳ đã chi gần 8.000 tỷ đồng để mua 80% cổ phần của mảng bánh kẹo của Tập đoàn Kinh Đô (KDC).

Hồi cuối tháng 3/2023, một phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn chưa từng thấy đã đến Việt Nam. Tổng cộng có đại diện từ 52 công ty và tập đoàn Mỹ, trong đó có các tên tuổi quen thuộc trong lĩnh vực quốc phòng, dược phẩm, công nghệ, và nhiều ngành khác, như Boeing, Bell, UPS, Coca-Cola… Họ đến Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh, trong khuôn khổ chương trình hằng năm được tổ chức bởi Hội đồng Kinh tế Mỹ-Việt (USABC).
Gần đây, Apple đã chuyển 11 nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị nghe mình vào Việt Nam. Intel cũng đầu tư mở rộng giai đoạn 2 nhà máy sản xuất chip tại TP.HCM với tổng vốn 4 tỷ USD. Boeing, Google, Walmart đều đang nghiên cứu môi trường kinh doanh tại Việt Nam để mở rộng mạng lưới nhà cung ứng.
Cơ hội trở thành quốc gia sản xuất chất bán dẫn và xuất khẩu chất bán dẫn hàng đầu khu vực
Theo nhiều nguồn tin, CEO của hơn 30 công ty bán dẫn và kỹ thuật số hàng đầu của Mỹ dự kiến sẽ tham dự một cuộc họp vào hôm nay 11/09 tại Hà Nội trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ. Theo một bản danh sách mà Reuters tiết lộ, các đại diện của Google, Intel, Amkor, Marvell, và GlobalFoundries sẽ có mặt trong cuộc họp này.
Trước đó, một số công ty bán dẫn Mỹ đã bắt đầu đặt chân vào Việt Nam. Intel đang hoạt động một nhà máy trị giá 1,5 tỷ tại TP.HCM về lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip và đang tiếp tục có kế hoạch mở rộng nhà máy này. Tháng 5/2023, tập đoàn công nghệ Marvell đã công bố việc thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới tại TP.HCM.

Năm 2022, số liệu thống kê cho thấy rằng toàn cầu đã sản xuất khoảng 1,1 tỷ chip bán dẫn vào năm 2021, với tổng doanh số đạt 595 tỷ USD. Với tỷ lệ này, thị trường chip bán dẫn đã vượt xa quy mô của nhiều ngành khác trên thế giới. Chẳng hạn, gấp 5 lần thị trường TV toàn cầu, gấp 6 lần thị trường trường tên lửa và bom hạt nhân, và gấp 15 lần thị trường robot.
Gần đây, các quốc gia tại Nam Á và Đông Nam Á, bao gồm Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và Campuchia, đã đặt nhiều nguồn lực vào lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Malaysia đã đặc biệt nổi tiếng khi biến khu công nghệ Penang trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn hàng đầu tại châu Á. Vào năm 2022, ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử của Malaysia đã trở thành một trong những ngành tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Quốc gia này đã thông qua 94 dự án đầu tư có tổng giá trị lên đến hơn 37 tỷ USD. Nó đã đóng góp hơn 5% tổng sản lượng chip bán ra trên thế giới trong những năm gần đây.
>>> Xem thêm: Bên trong siêu du thuyền Spectrum of the Seas đưa 4.000 du khách cập cảng Phú Mỹ có gì?
Các lãnh đạo “chaebol” tỷ đô tháp tùng chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc
Với sự kiện Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, cùng nhìn lại ngày 22/06/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã có chuyến công du Việt Nam cùng các lãnh đạo tập đoàn “chaebol” hàng đầu xứ sở kim chi. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Tổng thống Yoon Suk-yeol tới Việt Nam, và là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á mà vị lãnh đạo này ghé thăm kể từ khi nhậm chức vào tháng 5/2022.

Một đoàn phái đoàn gồm 205 tập đoàn lớn đến từ Hàn Quốc đã đồng hành cùng Tổng thống Yoon trong cuộc chuyến công du này, bao gồm nhiều lãnh đạo hàng đầu của các tập đoàn khủng tại xứ sở kim chi như Chủ tịch Samsung – Lee Jae-yong, Chủ tịch SK Group – Chey Tae-won, Chủ tịch Hyundai Motor – Euisun Chung, và Chủ tịch LG – Koo Kwang-mo.
Sự kiện này được coi là một cơ hội quan trọng cho cả hai quốc gia, Việt Nam và Hàn Quốc, để khám phá thêm các lĩnh vực hợp tác tiềm năng trong tương lai. Đây cũng là bước tiến quan trọng để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa họ lên một tầm cao mới.
Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/1992 và chúng đã trở thành “Đối tác hợp tác chiến lược” vào tháng 10/2009. Vào tháng 12/2022, hai quốc gia đã nâng cấp mối quan hệ này lên mức “Đối tác chiến lược toàn diện”.

Hàn Quốc được xem là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam và đứng đầu về lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với hơn 9.500 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 82 tỷ USD. Trong số này, Samsung đóng vai trò nhà đầu tư lớn nhất, hiện đang điều hành 6 nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM và 1 Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội với tổng giá trị đầu tư khoảng 20 tỷ USD.
Hợp tác thương mại giữa Hàn – Việt đã tăng lên gần 300 lần và dự kiến sẽ đạt 100 tỷ USD vào năm 2023, hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030.
Các thông tin về các tập đoàn tỷ đô đầu tư vào Việt Nam đã chứng minh rằng Việt Nam là điểm đến an toàn, tiềm năng trong chính sách đa dạng hóa nguồn cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia trong quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất sau đại dịch Covid-19.