Kế hoạch “sốc”: Novaland đồng loạt triển khai hàng loạt bất chấp giảm 90% lợi nhuận trong năm 2023
Vừa qua, trong Tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên 2023 của Novaland đã công bốkế hoạch sẽ tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện 15 dự án tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo kế hoạch Novaland năm 2023, chủ đầu tư này sẽ bàn giao 9 dự án, nhưng mục tiêu doanh thu giảm gần 15%, lợi nhuận giảm đến 90% trong năm nay.
Có thể nói, động thái gây “sốc” trong bối cảnh thị trường BĐS còn gặp nhiều khó khăn, nếu kế hoạch doanh thu – lợi nhuận của Novaland được hoàn thành thì đây sẽ là mức thấp nhất trong 8 năm qua của Tập đoàn này, kể từ khi Novaland chính thức niêm yết cổ phiếu năm 2016.
Novaland lên kế hoạch triển khai hàng loạt dự án năm 2023
Một tín hiệu đáng mừng cho các khách hàng và nhà đầu tư các dự án của Novaland khi thời gian qua, các dự án của Tập đoàn này bị tạm dừng và tin tức tiêu cực về nguồn lực Chủ đầu tư. Tuy nhiên, gần đây Novaland đã có động thái tái khởi động trước sự hỗ trợ gỡ vướng từ Chính Phủ.
Novaland cho biết sẽ tiếp tục triển khai đồng loạt xây dựng hoàn thiện bao gồm nhưng không giới hạn 15 dự án tại các địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Về công tác bàn giao, Novaland dự kiến bàn giao 9 dự án bao gồm các dự án nhà ở tại TP.HCM, Đồng Nai và các dự án nghỉ dưỡng tại Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu.
>>> Xem thêm: Phân tích & dự báo thị trường bất động sản Việt Nam năm 2023
Sắp tới đây, Tập đoàn Novaland cũng sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 tại Novaworld Phan Thiết (Bình Thuận) vào ngày 22/06. Đây cũng là lần đầu Tập đoàn này không tổ chức Đại hội tại TP.HCM kể từ năm 2016. Đại hội này dự kiến sẽ thông qua các hạng mục sau:
- Báo cáo năm 2022: Báo cáo của hội đồng quản trị, kết quả hoạt động kinh doanh báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất, phương án phân phối lợi nhuận, thù lao Hội đồng quản trị ,…
- Kế hoạch năm 2023: kế hoạch kinh doanh, lựa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính, đề xuất chi trả thù lao Hội đồng quản trị, thông qua đơn từ nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị và bầu cử thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021 – 2026, việc thực hiện phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 2022 và phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu 2022.
Trước đó, Ban lãnh đạo Tập đoàn muốn trích gần 1.930 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu và từng có kế hoạch tăng vốn cổ phần với định hướng phát hành tối đa 482,6 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 25%, không được quyền chuyển nhượng.
Nếu các đề xuất mới được thông qua, Novaland sẽ không thực hiện chia cổ tức cả năm 2022 và cũng không có kế hoạch trả cổ tức năm 2023. Về thù lao Ban hội đồng quản trị Novaland cũng dự trù mức thù lao của Hội đồng quản trị sẽ không quá 5 tỷ đồng.
Về cơ cấu Ban hội đồng quản trị, Tập đoàn sẽ trình cổ đông đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Trần Đăng Phước trong cơ cấu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ năm 2021-2026. Theo đó, Hội đồng sẽ chỉ còn 4 thành viên gồm Ông Bùi Thành Nhơn (Chủ tịch Hội đồng quản trị) và 3 thành viên độc lập Phạm Tiến Văn, Nguyễn Mỹ Hạnh, Đỗ Thị Phương Lan. Đồng thời sẽ bầu thêm 1 thành viên hội đồng quản trị. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ 10% tổng cổ phần sẽ có quyền biểu quyết với thời hạn đề cử trước 17h ngày 18/06.
Thủ tướng chỉ đạo gỡ vướng cho Tập đoàn Novaland
Trong nhiều năm qua, các dự án của Novaland tại Đồng Nai đều gặp phải nhiều vướng mắc liên quan đến điều chỉnh quy hoạch khiến các dự án này bị đình trệ, tạm dừng triển khai. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã nhận được Công văn số 543 của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển đơn của Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova – Đồng Nai. Đơn này đề nghị khẩn cấp tháo gỡ vướng mắc mà công ty này đang triển khai tại Đồng Nai được Ông Bùi Thành Nhơn ký ngày 25/04/2023.
Cũng trong cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ Xây dựng đề nghị làm việc trực tiếp với Ông Bùi Thành Nhơn để gỡ vướng mắc cho các dự án của Tập đoàn Novaland tại Đồng Nai. Theo đó, Bộ xây dựng sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập tổ công tác làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Thuận để giải quyết khó khăn cho các dự án của Tập đoàn Novaland tại 2 tỉnh này. Trước đó, tháng 02/2023, Ông Bùi Thành Nhơn cũng đã đề nghị chọn Aqua City làm dự án thí điểm để Tổ công tác gỡ vướng mắc pháp lý.
Chỉ tại Đồng Nai, Novaland đang làm chủ đầu tư của 9 dự án. Đây là các dự án thành phần của dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng (gồm 3 dự án: Khu đô thị Đồng Nai Waterfront, Khu đô thị Aqua City, Khu dân cư Long Hưng) và Khu đô thị dịch vụ thương mại cao cấp cù lao Phước Hưng. Cả hai dự án đều thuộc phân khu C4, thành phố Biên Hòa, trên cơ sở tách dự án hoặc Novaland nhận chuyển nhượng một phần từ Chủ đầu tư cấp một của các dự án trên.
Tại thời điểm nhận dự án, các cơ quan chức năng đã chấp nhận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, đã giao đất và cấp phép xây dựng. Vì thế, Novaland đã tiến hành triển khai xây dựng công trình. Tuy nhiên, việc phê duyệt các quy hoạch liên quan khác bị kéo dài 2 năm, khiến các dự án của Novaland bị liên đới, không đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch chung TP. Biên Hòa, phân khu C4 va quy hoạch 1/500 dự án, nên không thể triển khai kinh doanh dự án.
Ngoài ra, công ty đang gặp nhiều khó khăn và đã gửi nhiều đơn cầu cứu đến các cấp lãnh đạo và đã nhận được nhiều phản hồi và sự hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay các công tác gỡ vướng các dự án nêu trên vẫn chưa được giải quyết hay có phương án cụ thể. Việc trì trệ này đã gây nhiều tổn thất cho công ty như mỗi ngày Novaland phải chi trả trung bình 50 tỷ đồng. Đồng thời gây ra các hệ lụy khác như: ảnh hưởng quyền lợi của khách hàng, khách hàng khiếu kiện khi chậm hoàn thiện pháp lý, ảnh hưởng dây chuyền đến các khách hàng, nhà thầu, doanh nghiệp, ngân hàng,… gây lãng phí nguồn lực và tài sản cho xã hội.
Với những động thái gỡ vướng của Chính phủ, Kế hoạch năm 2023 của Novaland kỳ vọng sẽ đem lại nhiều tin vui cho các khách hàng và nhà đầu tư trong thời gian tới.