Bản đồ quy hoạch giao thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050
Theo Quy hoạch Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh vào ngày 16/02/2023, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề ra phương án tổ chức hạ tầng kỹ thuật, giao thông cho giai đoạn tới. Hãy cùng tìm hiểu quy hoạch giao thông Bà Rịa – Vũng Tàu thời gian tới có gì đặc biệt!
Định hướng phân bố quy hoạch hạ tầng giao thông Bà Rịa – Vũng Tàu
Các dự án giao thông đường bộ quốc gia trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Các dự án phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia trên địa bàn thực hiện theo Quyết định 1454/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cụ thể như sau:
1. Tuyến Cao tốc: Biên Hòa – Vũng Tàu (CT.28)
- Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 54km.
- Tiêu chuẩn đường cao tốc quy mô 6-8 làn xe
- Phạm vi: đoạn qua địa phận tỉnh dài 19,5 km, bắt đầu từ ranh Đồng Nai đến giao Quốc lộ 56 tại TP. Bà Rịa
- Dự kiến trước 2025, đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe cao tốc, giai đoạn sau sẽ hoàn thiện theo quy mô 6 làn xe
2. Đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh (CT.41)
- Tổng chiều dài toàn dự án: khoảng 199 km
- Tiêu chuẩn: 8 làn xe
- Phạm vi: điểm đầu Bà Rịa – Vũng Tàu, điểm cuối cảng Hiệp Phước, TP. Hồ Chí Minh. Trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dài 18,3 km
- Dự kiến trước 2025, đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe, giai đoạn sau sẽ hoàn thiện theo quy mô 8 làn xe
3. Tuyến Quốc lộ 51
- Chiều dài toàn tuyến 64 km
- Phạm vi: đoạn qua địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dài 26,5 km từ giáp ranh tỉnh Đồng Nai đến nút giao QL.55, qua thị xã Phú Mỹ, TP. Bà Rịa.
- Quy hoạch giữ nguyên quy mô hiện hữu: Đường cấp I, 8 làn xe gồm 6 làn xe ô tô và 2 làn xe thô sơ.
4. Tuyến Quốc lộ 56:
- Chiều dài toàn tuyến 51 km
- Phạm vi: điểm đầu TP. Long Khánh, Đồng Nai, điểm cuối QL51, TP. Bà Rịa. Đoạn đi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dài 41,2 km.
- Đoạn từ ranh tỉnh Đồng Nai đến nút giao cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, quy hoạch với quy mô 4-6 làn xe, dự kiến đầu tư trước 2025 (09/NQHĐND ngày 12/3/2021). Đoạn từ nút giao cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đến QL.51, giữ nguyên quy mô hiện hữu với 4 làn xe ô tô và 2 đường gom.
5. Tuyến QL51C
- Chiều dài tuyến là khoảng 64 km
- Phạm vi: điểm đầu QL51, Long Thành, Đồng Nai, điểm cuối QL1, Xuân Lộc, Đồng Nai – kết nối với tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận.
- Đoạn đi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dài khoảng 37km, tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe.
6. Đường ven biển (ĐT994)
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021. Đoạn qua địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do tỉnh đầu tư và quản lý.
7. Các tuyến tránh Quốc lộ
- Tuyến tránh Quốc lộ 51: Xây dựng đường gom đoạn qua TX. Phú Mỹ, dài khoảng 16 km, điểm đầu giao ĐT.991 nối dài, điểm cuối gần đường Hoàng Sa, Giai đoạn trước năm 2025, đầu tư đoạn từ ĐT.991 đến ĐT.9922C, đoạn còn lại đầu tư giai đoạn sau; Xây dựng tuyến tránh TP. Bà Rịa, dài 7,8 km, từ gần đường vào KDL Núi Dinh đến nút giao Vũng Vằn. Dự kiến đầu tư giai đoạn 2026-2030.
- Tuyến tránh Quốc lộ 55 gồm Xây dựng tuyến tránh TT. Đất Đỏ dài 10,8 km trước năm 2025; Xây dựng tuyến tránh TT.Phước Bửu dài 7,7 km sau năm 2025.
Các dự án cảng biển trọng điểm
Cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu có 07 khu bến và các bến cảng, thực hiện theo Quyết định số 1579/QĐ-TTgngày 22 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cụ thể như sau:
- Các bến phục vụ vận tải hàng hóa, logistics: Khu bến Cái Mép, Khu bến Thị Vải, Khu bến Sao Mai – Bến Đình, Khu bến Long Sơn, Khu bến sông Dinh,…
- Các bến vận tải hành khách, phục vụ du lịch: Bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu, Bến cảng Côn Đảo (bến tổng hợp),…
- Các bến cảng dầu khí ngoài khơi: Phục vụ các mỏ Rồng Đôi, Rạng Đông, Lan Tây, Đại Hùng, Chí Linh, Ba Vì, Vietsopetro 01, Chim Sáo, Tê Giác Trắng và các bến cảng khác, phát triển phù hợp với nhu cầu khai thác mỏ dầu khí ngoài khơi.
Các dự án đường thủy trọng điểm
Theo Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có các tuyến vận tải thủy sau:
1. Tuyến Vũng Tàu – Thị Vải – TP.HCM – Mỹ Tho – Cần Thơ
- Phạm vi: đoạn từ Vũng Tàu đến Thị Vải đi chung với luồng hàng hải, qua sông Đồng Tranh đến TP.HCM, theo sông Chợ Gạo qua Mỹ Tho và sông Măng Thít đến Cần Thơ. Sông Chợ Gạo và sông Măng Thít là tuyến đường thủy sôi động nhất khu vực phía Nam, điều này tạo thuận lợi cho việc tập kết và phân phối hàng hóa từ cảng biển Cái Mép – Thị Vải về khu vực Tây Nam Bộ.
- Tuyến dài 286,3 km, quy hoạch đạt cấp II. Ngoài ra, từ Tp.Hồ Chí Minh có thể kết nối với các hành lang vận tải thủy nội địa của vùng như: Sài Gòn – Mỹ Tho – Cần Thơ & Sài Gòn – Kiên Giang.
2. Tuyến Vũng Tàu (khu cảng biển Cái Mép Thị Vải) – TP.HCM – Tây Ninh: Phục vụ kết nối hàng hóa các tỉnh miền Tây Nam Bộ qua TP. HCM đi ra các cảng biển Cái Mép Thị Vải, kết nối đến các trung tâm logistic và cảng cạn ở TP. HCM và Long An. Bao gồm các tuyến đi trong sông (tuyến Sài Gòn – Bến Súc, Sài Gòn – Hiếu Liêm, Sài Gòn – Bến Kéo, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ Đông, tuyến theo dự án Logistics phía Nam) và các tuyến kết nối đi ven biển biển khác,…
2. Cảng tàu khách quốc tế
- Được quy hoạch tại khu vực Bãi Trước (phía tây bến Cáp Treo), nhưng hiện tại chưa có kế hoạch triển khai đầu tư.
- Dự kiến triển khai giai đoạn 2021-2030 với cỡ tàu 225.000 GT.
>>> Xem thêm: Chi tiết quy hoạch tổng thể tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050
Các dự án đường sắt trọng điểm
1. Mạng lưới đường sắt quốc gia trên địa bàn
- Văn bản: Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, quy hoạch tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu là một trong những hạng mục giao thông huyết mạch của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
- Tổng chiều dài tuyến là 84 km
- Tiêu chuẩn: đường đôi lưu thông hai chiều, kết nối tại ga Trảng Bom thông qua tuyến tránh Biên Hòa – Vũng Tàu (Trảng Bom – Dĩ An). Tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu là đường sắt quốc gia đi qua địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có khổ đường 1.435 mm, trong đó đoạn Biên Hòa – Thị Vải là đường đôi; đoạn Thị Vải – Vũng Tàu là đường đơn.
- Ngoài ra, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia trên địa bàn vùng còn có tuyến đường sắt từ Tây Ninh, Bình Phước qua Bình Dương, Đồng Nai kết nối vào tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu tạo điều kiện kết nối liên thông giữa Bà Rịa – Vũng Tàu với các tỉnh phía Tây của vùng Đông Nam Bộ.
2. Mạng lưới đường sắt đô thị
Đề xuất đầu tư xây dựng 2 tuyến monorail và 1 tuyến metro là loại hình vận tải đường sắt gồm các đoàn tàu chạy trên một thanh dầm tựa lên các trụ đỡ. Hạn chế chiếm dụng diện tích mặt đường giao thông.
Tuyến số 1: Hoạt động chính trên đường ven biển và bao quanh khu nội thành của thành phố Vũng Tàu.
- Tổng chiều dài khoảng 20km.
- Phạm vi: bắt đầu từ ngã ba đường Trần Phú- Lê Lợi – Nguyễn An Ninh theo đường Nguyễn An Ninh – Thùy Vân – Hạ Long – Quang Trung – Trần Phú – ngã ba đường Trần Phú – Lê Lợi khép kín tuyến.
- Chức năng: Đây là tuyến phục vụ nhu cầu đi lại nhiều nhất của khách du lịch đến tắm biển, dạo chơi bên bờ biển.
Tuyến số 2: Là tuyến nội – ngoại ô giữa thành phố Vũng Tàu và thị trấn Long Hải của huyện Long Điền.
- Chiều dài: khoảng 65 km
- Phạm vi: Tuyến bắt đầu Vòng Xoay Lê Hồng Phong, theo đường 3/2 (đường 51C) – ngã tư giao đường 2/9 (đường 51B) – qua cầu Cửa Lấp – đường ven biển ĐT.994 – Bình Châu.
- Chức năng: Đây là tuyến phục đi lại chủ yếu cho khách du lịch giữa thành phố Vũng Tàu và thị trấn Long Hải của huyện Long Điền.
- Khi du lịch phát triển mạnh, có thể tiếp tục kéo dài tuyến số 2 thêm khoảng 25km bám theo đường ven biển (ĐT.994) qua khu du lịch Phước Hải của huyện Đất Đỏ, đến tận khu vui chơi – nghỉ dưỡng – du lịch Hồ Tràm ở huyện Xuyên Mộc. Depot ở đầu tuyến (dung chung với tuyến số 1) tại khu vực ngã tư đường 2/9, rộng 6.000 m2; một depot ở cuối tuyến tại thị trấn Phước Hải, rộng 4.000 m2.
Tuyến số 3: tuyến Metro kết nối Vũng Tàu – Bà Rịa – Phú Mỹ – Long Thành.
Định hướng phát triển vùng Phú Mỹ, Bà Rịa, Vũng Tàu, Long Điền sẽ trở thành vùng động lực của tỉnh và kết nối thành trục đô thị phía Tây. Trong tương lai khi cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, vành đai 4, đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu hoàn thiện có thể xem xét mở rộng dải phân cách để phát triển đường sắt đô thị dọc Quốc lộ 51.
Do kinh phí xây dựng khá lớn, giai đoạn đầu để phát triển du lịch ở Vũng Tàu và phục vụ các KCN, đô thị dọc Quốc lộ 51, cần xem xét đầu tư các đoàn tàu khách chất lượng cao, với vận tốc lớn, trên tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu trước, nhằm kết nối tỉnh với sân bay Long Thành, Tp.Hồ Chí Minh,… thông qua tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành (tuyến đường sắt chuyên dùng vận chuyển hành khách) và đường sắt cao tốc Thủ Thiêm – Nha Trang.
Các dự án cảng hàng không/sân bay
Định hướng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ có một 01 cảng hàng không và 02 sân bay lưỡng dụng.
1. Cảng hàng không Côn Đảo
- Tiêu chuẩn: sân bay cấp 4C và sân bay quân sự cấp II
- Quy mô: khoảng 181,745 ha (gồm 104,604 ha diện tích đất cảng hàng không hiện hữu và diện tích đất bổ sung khoảng 76,908 ha).
- Công suất: Đến năm 2030 công suất đạt 3 triệu hành khách/năm. Đến năm 2050 công suất đạt 5 triệu hành khách/năm.
2. Sân bay Gò Găng ở TP. Vũng Tàu (thay thế sân bay Vũng Tàu hiện hữu) là sân bay chuyên dùng, chức năng lưỡng dụng. Diện tích quy hoạch 248,5ha.
3. Sân bay Đất Đỏ là sân bay chuyên dùng, chức năng lưỡng dụng. Diện tích khoảng 244,3 ha.
Bản đồ chi tiết quy hoạch giao thông Bà Rịa – Vũng Tàu
Trên đây là những cập nhật mới nhất của dựa trên Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh. Sau buổi thẩm định đã thống nhất, quy hoạch tỉnh cần rà soát, xây dựng phương án phát triển khu công nghiệp, cập nhật đối với các quy hoạch cảng mới và một số hạng mục khác. Trong đó, lưu ý quy hoạch phải kết nối với Sân bay Long Thành và phát triển du lịch Côn Đảo.
Các thông tin về quy hoạch tỉnh sẽ được cập nhật mới thường xuyên tại bài viết này, thường xuyên theo dõi để không bỏ sót thông tin mới nhất nhé!